✅ Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Một thương hiệu được bảo hộ không chỉ giúp bạn khẳng định quyền sở hữu mà còn tạo ra sự tin tưởng từ phía khách hàng và đối tác. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc chi tết về hướng dẫn đăng ký bảo hộ thương hiệu theo quy trình tối ưu nhất, bao gồm các bước lựa chọn nhãn hiệu, chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn. Hãy cùng khám phá để đảm bảo rằng thương hiệu của bạn được bảo vệ một cách tối ưu nhất!

Cơ sở pháp lý
– Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ).
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Bảo hộ thương hiệu là gì?
Bảo hộ thương hiệu, hay còn gọi là “đăng ký nhãn hiệu” là thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm thừa nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Khi một nhãn hiệu được chấp thuận đăng ký, thông tin về nhãn hiệu và chủ sở hữu sẽ được ghi nhận vào hệ thống Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu. Đồng thời, chủ sở hữu sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chính thức.
Quá trình phê duyệt đăng ký dựa trên việc thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ đơn đăng ký. Cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá tính hợp lệ của đơn dựa trên các tiêu chí về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?
– Mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh đều có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ của mình.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu nếu người sản xuất không sử dụng hoặc không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó.
– Tổ chức tập thể thành lập hợp pháp được phép đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên sử dụng theo quy chế.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có thể đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, tổ chức này không được phép tham gia trực tiếp vào sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Việc đăng ký liên quan đến địa danh hoặc đặc sản địa phương cần có sự phê duyệt của cơ quan nhà nước.
Hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu gồm những tài liệu gì?
Một bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đầy đủ phải chứa các tài liệu sau đây:
- Tờ đăng ký theo mẫu quy định số 04-NH (cần nộp 2 bản), trong đó liệt kê chi tiết các sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu cần đăng ký
- Mẫu nhãn hiệu (gồm 9 bản mẫu kèm theo, ngoài ra cần thêm 1 mẫu được gắn trực tiếp trên Tờ đăng ký)
- Giấy tờ chứng minh quyền đăng ký như: giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận, thư xác nhận, thư đồng ý, quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức (nộp 1 bản)
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ nếu có (1 bản)
- Chứng từ xác nhận đã nộp lệ phí đăng ký (1 bản)
- Đối với đăng ký nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận, cần bổ sung thêm quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tương ứng
- Các tài liệu chứng minh quyền sử dụng hoặc đăng ký các yếu tố đặc biệt trong nhãn hiệu như: tên riêng, biểu tượng, huy hiệu của tổ chức, các loại dấu hiệu chứng nhận/kiểm tra/bảo hành, tên người thật, hình ảnh, thương hiệu, xuất xứ, giải thưởng, bằng khen hoặc đặc điểm sản phẩm thuộc quyền sở hữu công nghiệp của bên khác (nộp 1 bản)
Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
* Yêu cầu về hồ sơ
Người đăng ký cần cung cấp:
– Bản thiết kế nhãn hiệu cùng với danh sách đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ sẽ sử dụng nhãn hiệu đó
– Đối với nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, cần bổ sung văn bản quy định cụ thể về cách thức sử dụng
* Yêu cầu về mẫu nhãn hiệu
– Mô tả rõ từng thành phần cấu tạo nên nhãn hiệu
– Nêu rõ ý nghĩa tổng thể (nếu có)
– Với chữ viết:
+ Chữ tượng hình phải có bản phiên âm
+ Ngôn ngữ nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt
– Với nhãn hiệu âm thanh:
+ Phải có file âm thanh gốc
+ Kèm bản vẽ biểu đồ thể hiện âm thanh
* Yêu cầu về phân loại
Các sản phẩm và dịch vụ trong đơn phải được phân nhóm theo tiêu chuẩn của Thỏa ước Ni-xơ. Việc phân loại này do cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp của nhà nước quy định và công bố.
Lưu ý: Những quy định này được điều chỉnh theo Luật số 07/2022/QH15 và bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2023.
Phí và lệ phí đăng ký bảo hộ thương hiệu
– Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ
– Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ
– Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000 VNĐ cho mỗi nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ
– Phí tra cứu cho các sản phẩm, dịch vụ từ thứ bảy trở đi: 30.000 VNĐ cho mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ
– Phí thẩm định nội dung: 550.000 VNĐ cho mỗi nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ
– Phí thẩm định nội dung cho các sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000 VNĐ cho mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ
Hình thức nộp đơn
Người nộp đơn có thể chọn giữa việc nộp đơn giấy hoặc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Cục Sở hữu trí tuệ:
a) Nộp đơn giấy
Người nộp có thể gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua bưu điện đến một trong các địa điểm tiếp nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1.
– Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Nếu nộp qua bưu điện, người nộp cần chuyển tiền phí qua dịch vụ bưu điện và gửi kèm Giấy biên nhận chuyển tiền với hồ sơ đăng ký để chứng minh đã thanh toán.
b) Nộp đơn trực tuyến
– Điều kiện: Người nộp cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản.
– Trình tự nộp đơn trực tuyến: Sau khi khai báo và gửi hồ sơ trên Hệ thống, người nộp sẽ nhận được Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày gửi đơn, người nộp phải đến một trong các điểm tiếp nhận của Cục để xuất trình Phiếu xác nhận và tài liệu kèm theo (nếu có), đồng thời thanh toán phí theo quy định. Nếu tất cả tài liệu và phí đều đầy đủ, cán bộ sẽ cấp số đơn; nếu không, đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Nếu không hoàn tất thủ tục trong thời hạn quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và thông báo hủy sẽ được gửi đến người nộp.
Công ty Luật Hà Trần
✅ Với đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn có trình độ cao, am hiểu pháp luật và thực tiễn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật Hà Trần đảm bảo luôn mang đến cho khách hàng những giải pháp tư vấn toàn diện và an toàn nhất – Nếu Quý khách có nhu cầu tìm hiểu chi tiết hơn về Hướng dẫn đăng ký bảo hộ thương hiệu? hãy kết nối với luật sư theo Hotline☎️0916 16 16 21 để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí.